Truy cập nội dung luôn

Công bố tài liệu Hướng dẫn thực hành Dược lâm sàng cho dược sĩ trong bệnh lý đái tháo đường, tim mạch và ung thư

Ngày 30/10,  Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế đã công bố tài liệu “Hướng dẫn thực hành Dược lâm sàng cho dược sĩ trong một số bệnh không lây nhiễm” tập trung vào 3 bệnh lý thường gặp hiện nay là đái tháo đường, tim mạch, ung thư

Công bố tài liệu Hướng dẫn thực hành Dược lâm sàng cho dược sĩ trong bệnh lý đái tháo đường, tim mạch và ung thư

Ngày 30/10,  Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế đã công bố tài liệu “Hướng dẫn thực hành Dược lâm sàng cho dược sĩ trong một số bệnh không lây nhiễm” tập trung vào 3 bệnh lý thường gặp hiện nay là đái tháo đường, tim mạch, ung thư.

Đây là tài liệu hướng dẫn đầu tiên cấp quốc gia về thực hành dược lâm sàng có tính pháp lý được soạn thảo bởi các chuyên gia đầu ngành cả nước dưới sự chủ trì của Bộ Y tế với sự hỗ trợ của Merck Export GmbH Việt Nam (Merck Việt Nam).

Theo PGS.TS. BS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết: “Nội dung quyển sách mang đậm nét thực hành hơn hàn lâm, dễ áp dụng ở mọi hạng bệnh viện và mọi nguồn nhân lực, từ đó mở ra một kỷ nguyên mới của ứng dụng thực hành dược lâm sàng.”

Theo thống kê trên cả nước năm 2018, trên 462 bệnh viện thuộc 57 tỉnh, số bệnh viện đã triển khai hoạt động dược lâm sàng một cách thường quy chỉ đạt 35,9%; 40% các câu trả lời cho biết các hoạt động phối hợp với nhân viên y tế khác đạt mức thỉnh thoảng trở lên. Những lý do dẫn đến hạn chế này đã được chỉ ra, bao gồm: Người dược sĩ chưa được đào tạo chuyên sâu về kiến thức thực hành dược lâm sàng; tài liệu tra cứu chuyên biệt cho thực hành dược lâm sàng chưa được hệ thống hoá, một số dược sĩ chưa được đào tạo chuyên môn hóa theo từng chuyên khoa. Vì vậy, việc nâng cao năng lực thực hành dược lâm sàng rất quan trọng tại các bệnh viện cũng như với người dược sĩ theo đuổi chuyên ngành này, nhằm thúc đẩy sử dụng thuốc hợp lý, nâng cao chất lượng điều trị, giảm chi phí y tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Trong bối cảnh đó, tài liệu Hướng dẫn thực hành Dược lâm sàng ra đời vừa đáp ứng được nhu cầu tiếp cận các kiến thức về thực hành dược lâm sàng chuẩn xác, khoa học, dễ áp dụng về các bệnh lý không lây nhiễm nổi cộm nhất hiện nay của người dược sĩ; vừa cung cấp cho ngành dược lâm sàng tài liệu chuyên khoa tin cậy; đồng thời góp phần lấp đầy những khoảng trống của hoạt động dược lâm sàng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, tài liệu sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho hoạt động dược lâm sàng Việt Nam: Kỷ nguyên của hành động vì chất lượng điều trị tối ưu cho bệnh nhân, một cách chuyên sâu và đồng bộ.

Theo các chuyên gia, điểm khác biệt của tài liệu này là tính ứng dụng và nội dung thiết thực. GS.TS.BS. Mai TrọngKhoa – Nguyên phó Giám đốc BV Bạch Mai – Chủ tịch Hội đồng thẩm định tài liệu cho rằng: “ với mục tiêu là quyển tài liệu này phải mang tính thực tế, dễ áp dụng, bên cạnh cạch chuyên môn của các dược sỹ về dược lâm sàng, thì ý kiến của  đội ngũ bác sĩ là việc cần thiết. Khi đó thì dịch vụ dược lâm sàng từ người dược sĩ mang lại sẽ giúp ích thiết thực cho các bác sĩ lâm sàng.”

PGS.TS. Nguyễn Tuấn Dũng, nguyên Trưởng bộ môn Dược lâm sàng, Đại học Y Dược TP.HCM – Phó chủ tịch hội đồng thẩm định tài liệu nhận định: “Tài liệu hỗ trợ tra cứu một cách nhanh chóng về chẩn đoán và điều trị, chỉnh liều cho các đối tượng đặc biệt, được biểu diễn dưới dạng lưu đồ và bảng biểu, đến các hoạt động dược lâm sàng được phân theo tuyến bệnh viện phù hợp với quy mô và nguồn lực của mỗi tuyến. Ngoài ra, có đánh giá về tương tác thuốc và các phản ứng có hại. Tài liệu này còn cung cấp các biểu mẫu để ứng dụng trong việc phỏng vấn khai thác tiền sử bệnh nhân, lập kế hoạch, theo dõi và đánh giá điều trị.”

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh được Bộ Y tế giao làm đầu mối cho việc triển khai hoạt động dược lâm sàng. Do đó, Cục đã ra nhiều văn bản hướng dẫn triển khai hoạt động này, nhằm không ngừng nâng cao việc sử dụng thuốc hiệu quả-an toàn- hợp lý. Tài liệu Hướng dẫn thực hành dược lâm sàng ra đời sẽ giúp cung cấp thêm kiến thức chuyên ngành, đồng thời tạo ra hành lang pháp lý hỗ trợ hơn nữa cho hoạt động này trong thực hành. “Hướng tới thực hành thường quy, đồng bộ là mục tiêu mà cơ quan quản lý của chúng tôi cần đạt được trong thời gian tới. Dự kiến, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, khen thưởng cho các cá nhân, bệnh việc làm tốt hoạt động này trong thời gian tới. Các năm tiếp theo sẽ triển khai thực hiện nhân rộng, có thi đua, giám sát thực hiện; và hỗ trợ đào tạo” – PGS. Lương Ngọc Khuê cho biết định hướng của Cục Quản lý khám chữa bệnh về phát triển dược lâm sàng thời gian tới.

Về phía đơn vị tài trợ, Merck Việt Nam cũng cam kết sẽ có những hỗ trợ thiết thực. “Thừa hưởng kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực dược phẩm, đặc biệt là giúp hỗ trợ điều trị các bệnh lý không lây nhiễm, chúng tôi luôn mong muốn chia sẻ và chuyển giao kiến thức mà chúng tôi có được đến các quốc gia trên thế giới.Trong tương lai, chúng tôi sẵn sàng đồng hành cùng chính phủ Việt Nam trong nhiều dự án khác để cải thiện việc chăm sóc sức khoẻ cho cộng đồng cũng như thúc đẩy sự phát triển của ngành Y tế cho Việt Nam.” – Bà Hee Sun Lee, Tổng Giám Đốc Merck Việt Nam cam kết.

Tài liệu Hướng dẫn thực hành dược lâm sàng cho dược sĩ trong một số bệnh không lây nhiễm”được xây dựng bởi 38 thành viên, chuyên gia đến từ 02 trường đại học, 17 bệnh viện và 05 hiệp hội trên cả nước dưới sự giám sát chặt chẽ của Cục quản lý Khám Chữa bệnh – Bộ Y tế. Ngoài ra, quyển sách cũng được tham khảo bởi nguồn tài liệu phong phú với tổng 157 tài liệu nước ngoài và được kiểm duyệt chặt chẽ qua 3 tầng: Ban soạn thảo -> Ban phản biện -> Ban thẩm định, 12 vòng kiểm duyệt và gần 1000 ý kiến đóng góp từ các chuyên gia nhằm đảm bảo cao nhất về chất lượng nội dung.

Tại buổi lễ, tất cả các chuyên gia trong Ban dự án đã được đại diện Bộ Y tế trao kỷ niệm chương như một sự vinh danh xứng đáng cho những nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của dược lâm sàng Việt Nam.

Tương phản
Đánh giá bài viết(0/5)